Kỹ thuật cắt tỉa cành quả cho cây nho [thegioicaynho.com]

Kỹ thuật cắt tỉa cành quả cho cây nho

A. Nội dung

1. Cát cành

1.1.  Mục đích

– Cắt cành là việc làm quan trọng trong nghề trồng nho, để loại bớt đi những bộ phận của cây nho như cành, ngọn, lá …Cây nho ra hoa ở những cành non. Nếu không cắt cành, cây nho vẫn có thể nẩy một số ít mầm, nhưng không thể cho năng suất cao. Mục đích của việc cắt cành là:

– Để điều hòa lượng cành gỗ vừa phải, duy trì cây nho ở dạng có lợi theo mong muốn, có thể quản lý dễ dàng, tạo điều kiện cho cây nho có sức sống tốt nhất, ổn định năng suất qua các năm.

– Để đảm bảo cho có những cành quả ở đúng vị trí đã xác định.

– Để tăng cường khả năng hấp thu ánh sáng cho cành quả và để giảm bớt sinh trưởng thái quá của cành vượt.

– Để quả có kích thước lớn, màu chín đẹp, chất lượng tốt và chín đúng thời gian.

– Để điều chỉnh năng suất của cây nho ở mức độ vừa phải, vì thế mà cải tiến được chất lượng quả, giảm bớt thiệt hại do thối quả khi chùm nho quá chắt trên các vùng mưa nhiều và cho ra những chùm quả có độ cứng phù hợp cho việc chuyên chở đi xa.

1.2. Tác động của việc cắt cành

– Muốn tạo được cây nho có bộ cành thích hợp, trước hết cần phải có một số hiểu biết tác động của nó tới đặc tính của cây nho, từ đó người trồng nho nắm được nguyên tắc cắt cành để áp dụng cho mỗi trường hợp cụ thể.

Tác động của cắt cành vườn nho cho quả sai trái

– Khi cây nho bị cắt cành sâu, để cựa gà ngắn hoặc cành tái sinh nhiều, cây sẽ bị giảm khả năng tổng hợp chất hữu cơ, tổng sản phẩm quang hợp sẽ thấp đi do số lượng lá ít. Bởi vậy, các sản phẩm đồng hóa như đường và tinh bột được tạo thành để nuôi dưỡng rễ, thân ngọn, hoa và quả sẽ thấp hơn so với cắt cành dài.

– Ngược lại, để cựa gà ngắn cho ra cành khỏe hơn, kích thước lớn và sinh trưởng mạnh hơn, nhưng lại ít chồi mang quả. Bởi vậy, đối với cành có kích thước lớn nên để dài hơn và để nhiều chồi hơn giúp cho kìm hãm bớt sự sinh trưởng của ngọn. Người trồng nho ở Ninh Thuận gọi là cắt “ăn theo”.

– Trong quá trình cắt cành nên điều chỉnh sao cho giàn có năng suất tối đa mà quả nho không bị chậm chín, vẫn đảm bảo có màu đẹp, được coi là “mùa vụ bình thường”.

– Nếu để cây nho ra quá nhiều chùm hoa, năng suất thái quá sẽ làm giảm chất lượng quả nho cuối vụ và có thể làm khô ngọn của chùm hoa. Ngoài ra còn gây nên các triệu chứng khác như giảm sinh trưởng, không chín gỗ và ít tạo thành các mầm mang hoa, mà hậu quả làm giảm sút năng suất quả vụ sau.

– Thông thường cây nho bị khai thác quá nhiều ở vụ trước sẽ bị giảm năng suất vụ kế tiếp sau đó.

– Người ta thấy rằng tổng diện tích lá và số ngọn trên cây có liên quan trực tiếp đến năng suất. Cây nho có ít ngọn thì ngọn sẽ phát triển nhanh, mạnh, nhưng năng suất thấp hơn cây có nhiều ngọn và tốc độ sinh trưởng chậm, bởi vì cây có nhiều ngọn thì có tổng diện tích lá sẽ lớn hơn.

– Trên một cây, những cành to, khỏe, nhiều lá cho ra những chùm lớn và cho nhiều ngọn mang hoa ở vụ sau.

Xem thêm  Các giống nho cho hiệu quả kinh tế cao tại Việt Nam

– Cây nho có phản ứng rất khác nhau, nhìn chung chúng rất nhạy cảm với các cắt cành. Do đó, việc cắt cành phụ thuộc nhiều yếu tố như vùng khí hậu, mùa, vụ, giống, chế độ dinh dưỡng khác nhau thì có chế độ cắt cành khác nhau. Nó còn phụ thuộc vào tình hình sinh trưởng và phát triển của cây.

– Thường người trồng nho có xu hướng khai thác quá mức, làm cho cây quá tải với số lượng cành trên cây lớn, làm cho cây dần dần kiệt sức, giảm kích thước chùm, quả và giảm chất lượng.

1.3. Mùa vụ cắt cành

– Nước ta, điều kiện kiện khí hậu nhiệt đới, cây nho sinh trưởng quanh năm, có thể cắt cành vào bất kỳ lúc nào trong năm, nhưng chú ý tránh một số thời điểm bất lợi. Không nên để cho nho nở hoa và chín quả vào đúng lúc nhiệt độ quá cao của các tháng 6 và mùa mưa lớn của tháng 10 (tại Ninh Thuận).

– Với điều kiện khí hậu vùng Ninh Thuận, cây nho có thể cho 3 vụ quả mỗi năm. Đây là điều kiện ưu đãi của thiên nhiên, giúp cho ta có thể tăng sản lượng thu hoạch trên đơn vị diện tích. Song các biện pháp kỹ thuật canh tác kèm theo để duy trì cho cây nho khỏe như cắt cành, bón phân, tỉa cành nách, tỉa bỏ quả “đẹt” .v..v. phải tính toán sao cho phù hợp đây là việc cực kỳ cần thiết.

– Thời vụ khuyến cáo cắt cành như sau, (có thể cắt ở 3 vụ/năm):

+ Vụ Đông xuân cắt cành vào tháng 11-12-1 dương lịch, vụ này cho năng suất cao, màu quả đẹp do thời tiết mát, quá trình đồng hóa của cây diễn ra thuận lợi.

+ Vụ Xuân hè cắt cành vào tháng 4-5 dương lịch cũng cho năng suất cao, nhưng nếu cắt trễ dễ bị héo chùm hoa khi gặp thời tiết nóng vào tháng 6. Trong trường hợp cắt cành sớm hơn, thời gian quả chín thường rơi vào tháng nóng sẽ dễ bị “cầm màu”. Nhìn chung nho vụ này quả không đẹp.

+ Vụ Thu đông, cắt cành vào tháng 9-10, vụ này năng suất đạt thấp hơn các vụ khác. Cây nho vụ này ra hoa trong những tháng mưa lớn dễ bị nấm bệnh phá hoại, nhất là nấm cuống quả, làm teo một phần hoặc toàn bộ chùm hoa làm giảm năng suất một cách đáng kể, có khi mất trắng.

– Ở nước ta cây nho không có giai đoạn ngủ nghỉ. Giàn nho sau khi thu hoạch xong trong khoảng 30-40 ngày thì được cắt lại. Người trồng nho ở Ninh Thuận có tập quán cắt cành sau khi giàn nho đã được bón bổ sung phân và xới hầm nhằm thời điểm trước khi nứt mầm.

– Tuy nhiên, trong điều kiện gìan nho được chăm sóc tốt, cây nho khỏe, không bị sâu bệnh, giàn lá đầy đủ và hóa gỗ tốt thì không nhất thiết phải bón phân dưỡng trước khi cắt cành mà chỉ cần bỏ khô hầm 15-20 ngày tùy theo khả năng giữ nước của đất. Người ta cho rằng tạo điều kiện ngủ nghỉ bắt buộc cho cây nho trước khi bước vào chu kỳ khai thác mới là cần thiết.

1.4. Kỹ thuật cắt cành

Kỹ thuật cắt cành đã được nghiên cứu ở nhiều nước trên thế giới, cho các giống cụ thể; được thực hiện như sau:

– Vị trí cắt cành:

+ Chọn trong bộ xương cá, những cành to khoẻ mạnh, có thân tròn cỡ cây viết chì, lóng đều, mắt tốt độ tuổi khoảng 4 tháng;

Xem thêm  Cách Chăm Sóc Cây Nho Khi Ra Hoa

+ Chiều dài hơn 1m thì cắt ở vị trí mắt thứ 6 – 8 trên cành;

– Thời điểm cắt cành lấy trái phụ thuộc vào thời điểm thu hoạch (giá cả thị trường) và điều kiện thời tiết (chọn thời điểm nắng nhiều, cường độ chiếu sáng cao, tránh mưa bão gây hư hại hoa). Thông thường khi cắt cành khoảng 3 tháng sau thì thu hoạch (quy trình cụ thể như sau: Cắt cành 10 ngày sau nảy mầm, 20 ngày ra hoa, 25 – 30 ngày đậu trái, 35 – 60 ngày lớn nhanh, 60 – 80 ngày trái chuyển màu, 90 ngày thu hoạch, 120 ngày sau cắt cành cho ra trái vụ

– Nên cắt khoảng 2/3 số cành để lấy quả. Vết cắt phải gọn và cách mắt cuối cùng trên đoạn cành còn lại ít nhất phải 3 cm.

– Cắt hết cành đã có lá, chỉ để lại các bộ phận sau đây :

+ Cành quả để hình thành trái và gỗ mới.

+ Mầm dự trữ ở chân cành quả để thay thế các cành này vụ sau.

– Nếu gốc nho đã già, để lại một số cành gần thân để thay cho những tay đã quá già

– Những vụ sau, phương pháp cắt ra quả, cũng giống như vậy.

– Từ khi cắt đến khi trái chín, giống sớm như Cardinal cần độ 90 ngày. Giống muộn như Ribier cần 120 ngày. Sau khi thu hoạch trái xong, phải để một thời gian 30 – 40 ngày cho cây nho nghỉ, xúc tích dự trữ.

– Hết thời kỳ ngủ nghỉ 30 – 40 ngày này ngọn và cành nách xanh lại, rễ cái ngả màu hồng, rễ con bắt đầu phát triển dài 1 – 2 cm, lúc này lại có thể cắt ra trái, hoàn thành chu kỳ 1 vụ nho.

– Như vậy một vụ nho tối thiểu phải 4 tháng, và một năm nhiều lắm cũng chỉ có thể thu hoạch 12 : 4 = 3 vụ, chỉ có giống Cardinal thỏa mãn được điều kiện này. Hiện nay ở Ninh Thuận người ta cho rằng chỉ làm 3 vụ/năm mới kinh tế, đó là một trong những lý do giống Cardinal chiếm gần 100% diện tích.

– Tuy nhiên, phải có kinh nghiệm mới chọn đúng lúc nào phải cắt, mầm nào lẩy đi, mầm nào để lại. Các chuyên viên về nho đều cho rằng kỹ thuật cắt là một biện pháp quan trọng vì cây nho không ra quả ở những gỗ già và bình thường phải có mùa đông lạnh để cây có thời gian ngủ nghỉ, xúc tích dự trữ trong rễ, trong thân và bình thường nho chỉ có 1 vụ ra trái.

– Ở nhiệt đới không có rét, thời gian ngủ nghỉ sau khi thu hoạch rất ngắn. Tuốt lá cắt cành gần như là một biện pháp “cưỡng bức” bắt buộc cây nho phải ra trái hai, ba vụ. Cái giá phải trả là không có chất dự trữ xúc tích trong bộ rễ, cây nho chóng kiệt, phải bón phân nhiều hơn và đời sống bụi nho ngắn đi chỉ còn 5 – 7 năm so với hàng năm, bảy chục năm ở các nước ôn đới.

– Khả năng cho năng suất của cây nho chỉ tăng trong một giới hạn nhất định. Vì vậy, để đảm bảo cho cây khỏe, có chu kỳ khai thác dài cần chú ý duy trì số lượng cành trong một giới hạn nhất định phù hợp với sự sinh trưởng của cây.

– Nên xén bỏ bớt những cành gỗ yếu, cành già 1-2 năm thấy khó có khả năng mang quả và những cành bị rệp vảy hoặc những côn trùng khác cũng như nấm bệnh gây hại, chỉ để lại những cành to, khỏe. Kết hợp cắt để cành mang quả với cắt tạo cành mới để nuôi dưỡng được cây và lấy cành mang quả cho mùa tới.

Xem thêm  Giống nho đặc sản Made in Viet Nam tuyệt ngon ở Ninh Thuận

Ghi nhớ:

* Xác định đúng thời vụ cắt cành

– Thời vụ khuyến cáo cắt cành như sau, (có thể cắt ở 3 vụ/năm):

+ Vụ Đông xuân cắt cành vào tháng 11-12-1 dương lịch, vụ này cho năng suất cao, màu quả đẹp do thời tiết mát, quá trình đồng hóa của cây diễn ra thuận lợi.

+ Vụ Xuân hè cắt cành vào tháng 4-5 dương lịch cũng cho năng suất cao, nhưng nếu cắt trễ dễ bị héo chùm hoa khi gặp thời tiết nóng vào tháng 6. Trong trường hợp cắt cành sớm hơn, thời gian quả chín thường rơi vào tháng nóng sẽ dễ bị “cầm màu”. Nhìn chung nho vụ này quả không đẹp.

+ Vụ Thu đông, cắt cành vào tháng 9-10, vụ này năng suất đạt thấp hơn các vụ khác. Cây nho vụ này ra hoa trong những tháng mưa lớn dễ bị nấm bệnh phá hoại, nhất là nấm cuống quả, làm teo một phần hoặc toàn bộ chùm hoa làm giảm năng suất một cách đáng kể, có khi mất trắng

* Xác định đúng vị trí cắt

– Vị trí cắt cành: Chọn trong bộ xương cá, những cành to khoẻ mạnh, có thân tròn cỡ cây viết chì, lóng đều, mắt tốt độ tuổi khoảng 4 tháng, chiều dài hơn 1m thì cắt ở vị trí mắt thứ 6 – 8 trên cành; các cành nhỏ, ngắn thì cắt ở vị trí mắt thứ 1-2 để tạo cành dinh dưỡng cho vụ thu hoạch sau.

* Chọn đúng đối tượng cắt.

2. Tỉa cành

2.1. Mục đích

– Làm cho cây không bị suy dinh dưỡng trong trường hợp quá nhiều quả, giúp cho quả to lớn đồng đều, ít quả “đẹt”, màu sắc và hương vị thơm, ngọt đặc trương cho giống.

– Để điều chỉnh năng suất cây nho ở mức độ vừa phải vì thế mà cải thiện được chất lượng quả, giảm bớt thiệt hại do thối quả khi chùm quá chặt trên các vùng mưa nhiều và cho ra những chùm quả có độ cứng phù hợp cho việc vận chuyển đi xa.

2.2. Kỹ thuật tỉa

– Khi hoa xuất hiện, cột cố định cành mang hoa để gió khỏi làm hỏng, khi cành mang hoa dài 1,25 m thì bấm ngọn và tỉa chồi nách trên cùng một cành để cho cây nho tập trung dinh dưỡng nuôi hoa, trái.

– Tiến hành loại bỏ thường xuyên những cành yếu (vô hiệu); Duy trì mật độ cành vừa phải 6-8 cành/m2.

– Tùy từng giống nho và điều kiện dinh dưỡng mà giữ lại khoảng 10 – 20 cành xương cá, nếu để dày quá sinh sâu bệnh, không tốt. Khi cành xương cá dài khoảng 1,2 m ta bấm ngọn, không cho nho ra ngọn nữa; trên cành xương cá bấm bỏ tất cả các chồi nách, nhưng phải giữ cho bộ lá tốt, trên một cành phải có ít nhất 12 lá khỏe mạnh.

– Bao nhiêu lá cắt đi hết. Cành nào quá yếu, mọc chồng cũng cắt.

 Ghi nhớ:

* Xác định đúng thời điểm tỉa

– Sau khi thu hoạch xong

* Xác định đúng vị trí tỉa

– Khi cành mang hoa dài 1,25 m thì bấm ngọn và tỉa chồi nách trên cùng một cành để cho cây nho tập trung dinh dưỡng nuôi hoa, trái.

* Chọn đúng đối tượng cắt

– Bao nhiêu lá cắt đi hết. Cành nào quá yếu, mọc chồng cũng cắt.

* Đảm bảo mật độ cành/m2

– Duy trì mật độ cành vừa phải 6-8 cành/m2.

Nguồn: Giáo trình mô đun chăm sóc nho – nghề trồng nho (Bộ NN&PTNT)